Tổ chức Công an nhân dân Việt Nam

Cảnh sát giao thông (áo vàng) và Cảnh sát trật tự (áo xanh lá cây) ở Việt Nam.

Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân gồm có:

  1. Bộ Công an;
  2. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  3. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
  4. Công an xã, phường, thị trấn.
    • Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên. Tổ chức, hoạt động, trang bị, trang phục, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đối với Công an xã do pháp luật quy định.[1]

Trong lực lượng Công an nhân dân chia thành hai lực lượng riêng biệt là Cảnh sát nhân dânAn ninh nhân dân, thực thi các nhiệm vụ chuyên biệt.

  • Nhiệm vụ của An ninh nhân dân

- Phòng ngừa, phát hiện, làm thất bại các âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

- Hoạt động tình báo.

- Hướng dẫn và phối hợp với các tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hoá - tư tưởng, an ninh thông tin; tham gia thẩm định quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia.

- Thực hiện quản lý công tác xuất cảnh, nhập cảnh; quản lý người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cư trú tại Việt Nam; quản lý về bảo vệ bí mật nhà nước; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia ở biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

- Làm nòng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên các lĩnh vực, tại các địa bàn.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

  • Nhiệm vụ của Cảnh sát nhân dân

- Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, về bảo vệ môi trường; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật khác và kiến nghị biện pháp khắc phục; tham gia giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng theo quy định của pháp luật.

- Quản lý hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân; quản lý con dấu; quản lý về an ninh, trật tự các nghề kinh doanh có điều kiện và dịch vụ bảo vệ; quản lý và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; quản lý vũ khí, vật liệu nổ; quản lý, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; tham gia cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.[1]